Các viện bảo tàng trả lại hiện vật bị đánh cắp

VHO- Hai viện bảo tàng ở Hà Lan đã trao trả lại hàng trăm hiện vật văn hóa bị cướp phá trong thời kỳ thuộc địa cho hai quốc gia, đó là Indonesia và Sri Lanka. Đây là nỗ lực mới nhất trong quá trình hoàn trả cổ vật toàn cầu ngày càng tăng của nhiều quốc gia.

Các viện bảo tàng trả lại hiện vật bị đánh cắp - Anh 1

 Một bộ sưu tập đồ trang sức, đá quý và bạc được lấy từ đảo Lombok của Indonesia

 Trong số hiện vật mà Hà Lan trao trả gồm có một khẩu súng thần công được trang trí lộng lẫy, các bộ sưu tập kim loại quý hiếm cùng với đồ trang sức đã bị cướp đi, thường là bằng vũ lực từ các quốc gia trong thời kỳ thuộc địa.

Sau nhiều cuộc đàm phán từ Indonesia, Sri Lanka, Chính phủ Hà Lan đang trả lại 478 đồ vật bị cướp phá trong thời thuộc địa cho Indonesia và Sri Lanka. Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Truyền thông Nhà nước Hà Lan Gunay Uslu công bố thông tin về việc hồi hương các hiện vật gồm 335 hiện vật từ “kho báu Lombok” Indonesia, bộ sưu tập Pita Mahal là bộ sưu tập quan trọng của nghệ thuật hiện đại từ Bali và Cannon Kandy thế kỷ 18, một vũ khí nghi lễ từ Sri Lanka được làm bằng đồng, bạc và vàng và khảm hồng ngọc.

Nói về tầm quan trọng của việc trao trả này, Bộ trưởng Uslu cho biết: “Đây là một thời khắc lịch sử và hơn bất cứ điều gì đó là một khoảnh khắc để nhìn về tương lai. Chúng tôi không chỉ trả lại các hiện vật, mà chúng tôi còn đang bắt đầu hợp tác chặt chẽ hơn với Indonesia và Sri Lanka trong các lĩnh vực như nghiên cứu sưu tập, giới thiệu và trao đổi giữa các bảo tàng”. Trong số hiện vật mà Hà Lan trao trả lại cho Indonesia gồm nhiều đồ tạo tác văn hóa, các món đồ trang sức quý giá đến chạm khắc trong các ngôi đền cổ từ thế kỷ 13.

Ông Hilmar Farid, Tổng Giám đốc Di sản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa Indonesia cho biết: “Chúng tôi thực sự vui mừng. Những gì đã đạt được cho đến nay là một đóng góp rất quan trọng cho cuộc tranh luận toàn cầu về sự trả lại các cổ vật thời thuộc địa. Chúng tôi coi những đồ vật này là vật còn thiếu trong câu chuyện lịch sử của mình, tất nhiên chúng đóng những vai trò khác nhau về mặt biểu tượng và văn hóa”.

Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka Ali Sabry hoan nghênh quyết định này và cho biết quốc gia Ấn Độ Dương này sẽ làm việc để bảo quản các hiện vật, trong đó có một khẩu pháo nghi lễ được trang trí lộng lẫy. Chúng là những cổ vật đầu tiên được trả về nước theo lời khuyên của một Ủy ban Hà Lan được thành lập vào năm 2022, để đánh giá yêu cầu của các quốc gia về việc hoàn trả các cổ vật trong các bảo tàng nhà nước. Nhiều hiện vật được trả lại nằm trong Bảo tàng Văn hóa Thế giới Quốc gia. 6 cổ vật thuộc địa khác mà Sri Lanka tuyên bố chủ quyền hiện đang nằm trong bộ sưu tập của Rijksmuseum, bảo tàng nghệ thuật và lịch sử quốc gia của Hà Lan.

Valika Smeulders, người đứng đầu bộ phận lịch sử của Rijksmuseum nói với The Art Newspaper rằng đã có một sự thay đổi rõ ràng trong quan điểm. Valika Smeulders nói: “Tôi nghĩ cách mà thế giới bảo tàng từng nhìn nhận đó là quan tâm rất nhiều đến việc bảo tồn các đồ vật cho thế hệ sau và rõ ràng các bảo tàng ở châu Âu có cơ sở vật chất để làm điều đó. Nhưng điều đã làm thay đổi quan điểm của chúng tôi đó là những hiện vật này kể những câu chuyện về đất nước của chúng ta, về lịch sử chung của các dân tộc chúng ta. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi bây giờ là đặt các đồ vật ở những nơi mà chúng có thể kể những câu chuyện quan trọng một cách tốt nhất”.

Gert-Jan van den Bergh, một chuyên gia về luật nghệ thuật tại công ty luật Bergh Stoop & Sanders nói với The Art Newspaper rằng, nỗ lực hồi hương là “bước quan trọng đầu tiên”. 

 NGỌC TRÂM

Ý kiến bạn đọc